Quy định áp dụng đối với lao động đi làm việc tại Hàn Quốc

quy dinh ap dung voi lao dong di lam viec tai han quoc

I. XUẤT CẢNH – NHẬP CẢNH:

1. Xuất cảnh Việt Nam:

Khi có kế hoạch xuất cảnh, người lao động được thông báo đến địa điểm tập trung để hoàn thành các thủ tục chuẩn bị xuất cảnh. Khi làm thủ tục xuất cảnh tại cửa khẩu người lao động phải xuất trình hộ chiếu còn giá trị sử dụng và có visa hợp lệ (visa E9).

* Người lao động không được phép xuất cảnh trong những trường hợp sau:

– Sử dụng hộ chiếu không có giá trị sử dụng để xuất cảnh (hộ chiếu đã báo mất hoặc hết hạn sử dụng).

– Bị cấm xuất cảnh (do đang thụ lý án hoặc bị quản thúc tại địa phương,…)

2. Nhập cảnh Hàn Quốc:

Người lao động khi nhập cảnh vào Hàn Quốc phải tuân thủ theo các quy định của Luật kiểm soát xuất nhập cảnh Hàn Quốc, có hộ chiếu và visa phù hợp (E9).

Quy định về các trường hợp không được nhập cảnh, bao gồm: Người mắc bệnh truyền nhiễm (gồm: HIV, Gan Bm Giang mai, Lao phổi…), nghiện ma túy hoặc bị coi là nguy hiểm cho sức khỏe cộng đồng; vận chuyển trái phép vũ khí, súng, kiếm, hoặc chất nổ theo quy định của pháp luật vận chuyển vũ khí, súng hoặc chất nổ; người bị coi là có nguy cơ gây nguy hiểm cho cộng đồng; người bị coi có nguy cơ gây nguy hiểm cho trật tự kinh tế, xã hội hoặc sức khoẻ của cộng đồng; người có vấn đề về tâm thần, người lang thang.

Người lao động ngay sau khi nhập cảnh Hàn Quốc sẽ về Viện Hợp tác lao động quốc tế (KOILAF) để tham dự khóa đào tạo trong thời gian 3 ngày. Người lao động được kiểm tra lại sức khỏe để đảm bảo không bị mắc các bệnh truyền nhiễm, những người có kết quả kiểm tra sức khỏe lần đầu không đạt yêu cầu sẽ được kiểm tra lại lần 2, nếu kết qủa vẫn không đạt thì người lao động buộc phải về nước. Nếu đạt yêu cầu về sức khỏe và hoàn thành khóa đào tạo, người lao động được đưa về công ty làm việc.

II. CHẾ ĐỘ BẢO HIỂM

Về các chế độ bảo hiểm: Khi nhập cảnh Hàn Quốc, người lao động Việt Nam được tham gia các loại hình bảo hiểm sau:

– Bảo hiểm hồi hương: là bảo hiểm nhằm mục đích đảm bảo chi phí mua vé máy bay cho người lao động xuất cảnh Hàn Quốc khi kết thúc thời hạn lưu trú hoặc trước thời hạn lưu trú (ngoại trừ trường hợp xuất cảnh tạm thời như về phép). Người lao động mua bảo hiểm hồi hương với mức là 400.000won (đóng 1 lần) và chuyển tiền mua bảo hiểm hồi hương vào tài khoản ngân hàng do Công ty bảo hiểm mở cho người lao động trong vòng 80 ngày tính từ ngày nhập cảnh Hàn Quốc. Mức chi trả bảo hiểm bằng số tiền người lao động đã mua bảo hiểm. Nếu người lao động không mua Bảo hiểm hồi hương hoặc mua chậm so với thời gian quy định sẽ bị phạt tiền đến 1 triệu won.

– Bảo hiểm rủi ro: là bảo hiểm ngoài lao động cho người lao động trong trường hợp chết hoặc thương tật do tai nạn. Mức phí bảo hiểm này dựa trên độ tuổi, giới tính, dao động từ 19.000 won đến 50.800 won (nam giới, người lớn tuổi hơn phải mua bảo hiểm với mức cao hơn), thời hạn hợp đồng bảo hiểm là 36 tháng. Người lao động bắt buộc phải mua bảo hiểm rủi ro và chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng do Công ty bảo hiểm mở cho người lao động trong vòng 15 ngày tính từ ngày nhập cảnh Hàn Quốc.

Mức chi trả bảo hiểm: đối với trường hợp tử vong là từ 15 triệu won đến 30 triệu won tùy theo nguyên nhân tử vong, đối với nguyên nhân tự tử sẽ không được chi trả bảo hiểm; đối với trường hợp bị thương tật, tối đa là 15 triệu won Nếu người lao động không tham gia mua Bảo hiểm rủi ro hoặc mua chậm so với thời gian quy định sẽ bị phạt tiền đến 5 triệu won hoặc bị trục xuất về nước.

Trong thời gian tập trung tại cơ sở đào tạo giáo dục định hướng sau khi nhập cảnh Hàn Quốc, người lao động sẽ ký kết Hợp đồng bảo hiểm và nộp tiền vào tài khoản cá nhân do công ty Bảo hiểm mở cho người lao động tại Ngân hàng quy định. Tài khoản sẽ tự động giao dịch thanh toán tiền mua bảo hiểm theo Hợp đồng bảo hiểm đã ký kết.

Lưu ý: người lao động tái nhập cảnh phải đóng lại bảo hiểm này

– Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động: là loại bảo hiểm mà chủ sử dụng lao động phải đóng cho cơ quan bảo hiểm để bồi thường cho người lao động trong trường hợp bị tai nạn lao động. Mức bồi thường tai nạn lao động được xác định theo các hạng thương tật. Người lao động được hưởng Bảo hiểm bồi thường tai nạn lao động thì không được hưởng Bảo hiểm rủi ro.

– Bảo hiểm y tế: Bảo hiểm y tế nhằm hỗ trợ tiền khám, chữa bệnh cho người lao động khi bị ốm đau, bệnh tật phải điều trị tại các cơ sở y tế của Hàn Quốc. Hàng tháng người lao động phải đóng Bảo hiểm y tế với mức bằng 4,21% mức tiền lương tháng.

Ngoài các loại bảo hiểm chính nêu trên, trong quá trình làm việc, chủ sử dụng lao động và người lao động cùng tham gia các loại bảo hiểm khác, là: Bảo hiểm thôi việc, Bảo hiểm việc làm (bảo hiểm thất nghiệp), Bảo hiểm do chậm trả lương, (mức tham gia mua, mức hưởng và nguyên tắc chi trả bảo hiểm do các Luật pháp liên quan của Hàn Quốc quy định).

III. LƯU TRÚ:

1. Đăng ký cấp chứng minh thư người nước ngoài:

Trong thời hạn 90 ngày kể từ ngày nhập cảnh, người lao động phải làm đơn đăng ký người nước ngoài với Văn phòng kiểm soát nhập cư nơi người lao động tạm trú để làm chứng minh thư cho người nước ngoài theo quy định của Hàn Quốc.

Thủ tục cấp chứng minh thư gồm có: Đơn xin đăng ký cấp giấy chứng minh thư người nước ngoài; hộ chiếu (có visa hợp lệ); 3 ảnh 3cm x 4cm; Lệ phí đăng ký khoảng 10.000 won.

Người lao động phải luôn mang theo Chứng minh thư người nước ngoài để xuất trình khi được nhân viên xuất nhập cảnh hoặc cảnh sát yêu cầu. Trường hợp để mất Chứng minh thư người nước ngoài thì trong vòng 14 ngày kể từ ngày bị mất, người lao động phải khai báo để được xem xét, cấp lại.

2. Thay đổi nơi lưu trú:

Trong quá trình lưu trú, nếu có sự thay đổi về các vấn đề sau cần khai báo với cơ quan đã đăng ký lưu trú trong thời hạn 14 ngày kể ngày có sự thay đổi, đó là:

– Tên, giới tính, ngày sinh và quốc tịch;                                       

– Số, ngày cấp và thời hạn hiệu lực của hộ chiếu;

– Thay đổi chỗ làm việc dẫn đến phải thay đổi nơi lưu trú.

– Các vấn đề khác theo quy định của pháp luật.

3. Gia hạn thời gian lưu trú:

Hợp đồng lao động chỉ có giá trị một năm một, sau khi hết thời hạn, người lao động phải ký lại hợp đồng với chủ sử dụng. Sau khi ký tiếp hợp đồng lao động, người lao động phải làm thủ tục đăng ký gia hạn thời gian lưu trú với Cơ quan quản lý xuất nhập cảnh tại khu vực nơi người đó tạm trú.

IV. VIỆC LÀM VÀ THAY ĐỔI NƠI LÀM VIỆC:

1. Việc làm: Người lao động sau khi nhập cảnh phải làm việc tại công ty mà mình đã ký hợp đồng lao động trước khi nhập cảnh và được bố trí công việc theo hợp đồng lao động.

2. Thay đổi nơi làm việc: Trường hợp có lý do chính đáng thì người lao động được chuyển nơi làm việc nhưng tối đa không quá 3 lần trong suốt thời gian làm việc tại Hàn Quốc. Những trường hợp được phép thay đổi nơi làm việc theo quy định:

– Khi chủ sử dụng lao động hủy bỏ hợp đồng lao động với lý do chính đáng hoặc từ chối ký tiếp hợp đồng;

– Trường hợp không thể tiếp tục làm việc vì lý do khách quan, như công ty tạm thời đóng cửa hoặc giải thể;

– Trường hợp chủ sử dụng lao động bị thu hồi giấy phép tuyển dụng lao động nước ngoài hoặc đang bị xử phạt, đình chỉ tuyển dụng do xâm hại nhân quyền như dùng bạo lực, nợ lương, không đảm bảo điều kiện làm việc theo quy định.

– Người lao động bị tai nạn không thể tiếp tục làm việc tại nơi làm việc hiện tại nhưng lại có khả năng làm việc ở nơi khác.

– Người lao động chỉ được phép thay đổi nơi làm việcb tối đa 3 lần. Trong trường hợp tuy đã 3 lần thay đổi nơi làm việc nhưng nguyên nhân là do phía chủ sử dụng lao động thì người lao động được phép thay đổi 1 lần nữa.

3. Các vấn đề cần lưu ý khi thay đổi nơi làm việc:

– Người lao động phải đăng ký thay đổi nơi làm việc tại Trung tâm hỗ trợ tuyển dụng lao động (Trung tâm ổn định việc làm) tại khu vực mà người lao động đang làm việc.

– Người lao động đăng ký làm việc trong các ngành nông nghiệp – chăn nuôi, xây dựng, thủy sản thì không được phép thay đổi ngành nghề đã đăng ký trước đó. Tuy nhiên, người lao động đăng ký ngành sản xuất chế tạo và đang làm trong ngành sản xuất chế tạo khi thay đổi nơi làm việc, có thể lựa chọn để chuyển sang ngành nông nghiệp, xây dựng hoặc thủy sản.

V. CÁC QUY ĐỊNH KHÁC:

1. Trục xuất về nước:

Những trường hợp sau đây sẽ bị coi là bất hợp pháp và bị trục xuất về nước theo quy định:

– Đã kết thúc hợp đồng lao động trong khoảng thời gian 1 tháng mà không đăng ký xin chuyển nơi làm việc tại Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài tại khu vực.

– Người lao động tự ý di chuyển nơi làm việc mà không được sự cho phép của chủ sử dụng lao động và Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài.

– Trường hợp người lao động cố tình bỏ bê công việc để xin chuyển sang nơi làm việc khác.

– Trường hợp người lao động đã đăng ký thay đổi nơi làm việc, nhưng sau 3 tháng không tìm được việc làm mới.

– Trường hợp người lao động tự chuyển đổi nơi làm việc mà không thông qua Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài.

2. Tái nhập cảnh Hàn Quốc:

– Về phép: Trong thời gian làm việc tại Hàn Quốc theo hợp đồng lao động, người lao động có thể xin nghỉ phép để vể nước và phải được sự đồng ý của chủ sử dụng lao động. Khi về nước, người lao động cần phải làm thủ tục thông báo tạm thời về nước tại Trung tâm hỗ trợ lao động nước ngoài tại khu vực mà người lao động đang làm việc.

Lưu ý: khi làm thủ tục tại sân bay, người lao động phải được dấu tái nhập cảnh Hàn Quốc (dấu Re-entry) vào hộ chiếu, thời gian muộn nhất mà người lao động phải trở lại Hàn Quốc được ghi rõ trên hộ chiếu (untill ~ ). Người lao động phải trở lại Hàn Quốc đúng thời gian ghi trên hộ chiếu hết hạn.

– Tái tuyển dụng:

Theo quy định của phía Hàn Quốc sau khi kết thúc 3 năm làm việc chính thức, nếu người lao động không được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng tái tuyển dụng thì phải về nước; trường hợp được chủ sử dụng lao động ký hợp đồng tái tuyển dụng thì được phép ở lại Hàn Quốc tiếp tục làm việc với thời gian là 1 năm 11 tháng.