Công tác xuất khẩu lao động ở những huyện nghèo gặp nhiều khó khăn

Sau ba năm triển khai Quyết định 71/2009/QĐ-TTG của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt hỗ trợ các huyện nghèo đẩy mạnh xuất khẩu lao động (XKLĐ), góp phần giảm nghèo bền vững giai đoạn 2009-2020, dù các địa phương đã có nhiều cố gắng, nhưng đến nay công tác này vẫn đang thực sự gặp khó.

xuất khẩu lao động ở huyện nghèo gặp khó khăn

Xuất khẩu lao động sẽ là cơ hội giúp đồng bào huyện nghèo đổi đời

Bắc Kạn: Lao động huyện nghèo xin về nước trước thời hạn

Theo số liệu thống kê của Sở LĐTB&XH tỉnh Bắc Kạn, tính từ năm 2010 đến nay, huyện Pác Nặm có tổng số 108 lao động xuất khẩu và huyện Ba Bể có 154 lao động đi xuất khẩu tại các nước Malaysia, Ma Cao, Libya… Năm 2012 số lao động tại hai huyện nghèo đang học tiếng Hàn được hỗ trợ theo Quyết định 71 để chuẩn bị cho kỳ thi tiếng Hàn tiếp theo là 48 người…Đại diện phòng Lao động-Thương binh và Xã hội huyện Pác Nặm cho biết, thu nhập bình  quân của mỗi lao động xuất khẩu trong khoảng 6-7 triệu đồng/người/tháng. Sau khi trừ chi phí, mỗi lao động có thể tiết kiệm và gửi về gia đình được gần 5 triệu đồng. Có thể nói XKLĐ là con đường giảm nghèo nhanh nhất đối với người dân Bắc Kạn nói chung và các xã của hai huyện 30a là Ba Bể và Pác Nặm nói riêng.

Tuy nhiên, hiện Bắc Kạn cũng đang thực sự gặp khó trong công tác này. Ông Nguyễn Tiến Cương, Trưởng phòng Quản lý việc làm Sở LĐTB&XH tỉnh cho biết, trong ba năm qua, có gần 600 người đăng ký tham gia xuất khẩu lao động tại hai huyện nghèo nói trên. Trong đó số lao động tham gia đào tạo là 452 người. Hầu hết hạn hợp đồng xuất khẩu là 2 năm. Nhưng do không thích nghi được với môi trường lao động nên đã có 165 lao động xin về nước trước hạn.

Bên cạnh đó, chất lượng lao động cũng chưa đáp ứng được nhu cầu khắt khe của thị trường tuyển lao động. Đặc biệt là các thị trường có thu nhập cao. Ý thức chấp hành kỷ luật lao động của một số lao động còn thấp, tác phong công nghiệp còn kém. Đồng thời ý thức vươn lên thoát nghèo của người lao động chưa cao, còn trông chờ ỷ lại vào chế độ chính sách của Nhà nước. Thực tế cho thấy, sau khi học xong giáo dục định hướng, không ít người lao động tự ý bỏ xuất cảnh. Việc làm này cũng ảnh hưởng không nhỏ đến công tác triển khai XKLĐ huyện nghèo, cũng như công tác XKLĐ chung của cả tỉnh. Cùng với đó, công tác tuyển chọn lao động và tổ chức quản lý lao động ở nước ngoài của một số doanh nghiệp có chức năng XKLĐ chưa tốt. Nhiều doanh nghiệp không có văn phòng quản lý người lao động tại các nước tiếp nhận người lao động sang làm việc. Theo quy định các doanh nghiệp phải có trách nhiệm báo cáo kịp thời về công tác xuất khẩu lao động cho Ban chỉ đạo xuất khẩu lao động tỉnh. Tuy nhiên các doanh nghiệp tuyển lao động trên địa bàn tỉnh không báo cáo kịp thời, hoặc không báo cáo nên việc cập nhật về tình hình người lao động đi làm việc ở nước ngoài chưa được chính xác.

Lao động xuất khẩu lên đường sang Malaysia


Bình Định: Số lượng lao động xuất khẩu giảm

Những năm qua, công tác XKLĐ tại Bình Định đã giúp nhiều gia đình ở các huyện nghèo thoát cảnh đói nghèo. Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH Bình Định, số lao động ở 3 huyện nghèo đã đi làm việc ở nước ngoài trong 3 năm qua đều có việc làm và thu nhập ổn định. Bình quân, mỗi người lao động gửi về cho gia đình 4-6 triệu đồng/người/tháng. Nhưng thời gian gần đây, số lượng lao động xuất khẩu đang giảm dần.

Nếu như năm 2010, số lao động đã xuất cảnh ở 3 huyện nghèo là 154 người (An Lão 92 người, Vân Canh 36 người, Vĩnh Thạnh 26 người), thì đến năm 2011, số người tham gia XKLĐ ở các huyện nói trên giảm còn 97 người (An Lão 67 người, Vân Canh 10 người, Vĩnh Thạnh 20 người). Tương tự, 6 tháng đầu năm nay, số người tham gia XKLĐ chỉ còn 19 người (An Lão 9 người, Vân Canh 2 người, Vĩnh Thạnh 8 người). Trong 6 đơn vị được Cục Quản lý lao động ngoài nước ( Bộ LĐTB&XH)  giới thiệu về tuyển chọn lao động tại 3 huyện nghèo đi XKLĐ, Công ty CP Xây dựng 47 là đơn vị tích cực triển khai công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn đến từng thôn, làng, gia đình và bản thân người lao động, song hiệu quả vẫn không như mong đợi. Ông Phạm Văn Lịch, Trưởng phòng Dịch vụ XKLĐ của Công ty cho hay: 2 năm trước, công ty đã đưa gần 200 người ở 3 huyện nghèo đi XKLĐ, nhưng, từ đầu năm 2012 đến nay, mỗi huyện chỉ có vỏn vẹn 1 người được xuất cảnh.

Cùng với đó, nhận thức về XKLĐ của người dân vẫn chưa có những chuyển biến đáng kể. Ông Nguyễn Văn Long, Trưởng Phòng LĐ-TB&XH huyện Vĩnh Thạnh cho biết, dù công tác tuyên truyền đã được chú trọng, nhưng nhận thức của người lao động còn nhiều hạn chế, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số có tâm lý không muốn xa gia đình. Ngoài ra, những hạn chế về trình độ văn hóa, trình độ chuyên môn, ngoại ngữ, tay nghề của người lao động cũng đang là lực cản đối với XKLĐ huyện nghèo tại Bình Định. Đáng lưu ý là trong quá trình đăng ký đi XKLĐ, không ít người vẫn chưa có chứng minh nhân dân, cá biệt có trường hợp chưa có giấy khai sinh, gây khó khăn trong việc làm lý lịch tư pháp, hộ chiếu.

Trước tình hình èo uột của hoạt động XKLĐ nói chung, XKLĐ huyện nghèo nói riêng, địa phương nay đã xác định giải pháp quan trọng là phải đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đổi mới công tác tư vấn nhằm nâng cao nhận thức, giúp người dân hiểu rõ, nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh về XKLĐ, thông tin tuyển dụng của doanh nghiệp XKLĐ…

Hiện nay Trung tâm Giới thiệu việc làm Bình Định đang tăng cường phối hợp với UBND các xã, thị trấn thành lập đội ngũ tuyên truyền viên cơ sở, đảm bảo hàng tháng mỗi cộng tác viên tổ chức ít nhất 5 buổi vận động, tư vấn trực tiếp về XKLĐ cho người dân. Các phiên giao dịch việc làm cũng được đẩy mạnh ở 3 huyện An Lão, Vân Canh, Vĩnh Thạnh. Được biết, từ quý I năm 2012  tỉnh đã phân bổ 560 triệu đồng qua Sở LĐTB&XH để thực hiện công tác hỗ trợ xuất khẩu lao động tại các huyện nghèo.

Theo ông Phạm Văn Thi, Giám đốc Sở LĐTB&XH Bình Định, XKLĐ là một trong những con đường thoát nghèo của người dân tại các huyện nghèo. Ngoài nỗ lực của người dân và các đơn vị đưa lao động đi, còn đòi hỏi sự vào cuộc tích cực của chính quyền địa phương. Vì vậy, thời gian tới để đạt hiệu quả cao hơn nữa trong công tác XKLĐ huyện nghèo, tỉnh đã chỉ đạo UBND các xã, thị trấn phải thường xuyên cập nhật danh sách những người trong độ tuổi lao động có khả năng tham gia XKLĐ nhưng chưa có việc làm, thiếu việc làm, hoặc việc làm không ổn định để tư vấn, vận động đảm bảo hiệu quả nhất. Các đoàn thể cũng cần chỉ đạo các cấp cơ sở phối hợp với các ngành liên quan triển khai thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền, vận động hội viên ở các huyện nghèo tham gia XKLĐ.

Nguồn: Báo Đại Đoàn Kết

Tuyên Hoàng sưu tầm